So sánh thương mại điện tử và thương mại truyền thống
Nhu cầu ngày càng đa dạng của con người đã thúc đẩy sự ra đời của các hoạt động trao đổi. Từ đó thương mại được hình thành và phát triển. Bên cạnh thương mại truyền thống, thương mại điện tử cũng nhanh chóng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong thời đại 4.0 ngày nay. Vậy thương mại điện tử và thương mại truyền thống giống và khác nhau như thế nào? Cùng Gocdoday tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
1. Thương mại truyền thống là gì?
Thương mại truyền thống là việc giao dịch, trao đổi hàng hóa, thông tin, mua bán sản phẩm dịch vụ trực tiếp giữa bên mua và bên bán mà không thông qua Internet. Thông thường, người bán sẽ sử dụng các cửa hàng vật lý để thực hiện giao dịch trực tiếp, mặt đối mặt với khách hàng.
Ví dụ thương mại truyền thống: các trung tâm thương mại, chợ truyền thống và các cửa hàng.
2. Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử là việc mua bán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động giao dịch, thông qua việc sử dụng phương tiện điện tử. Mọi hoạt động như mua, bán, đặt hàng và thanh toán được thực hiện qua internet.
Các loại hình thương mại điện tử:
- B2B: Giao dịch mua bán thông qua các doanh nghiệp với nhau
- B2C: Việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ diễn ra giữa chủ thể kinh doanh và khách hàng cá nhân.
- C2C: Việc mua bán hàng hóa và dịch vụ diễn ra giữa các khách hàng cá nhân tiêu dùng.
Ví dụ thương mại điện tử: các app thương mại điện tử như Shopee, Lazada,…
3. So sánh thương mại điện tử và thương mại truyền thống
Thương mại điện tử và thương mại truyền thống đều là các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên giữa chúng tồn tại các điểm khác nhau sau:
Tiêu chí | Thương mại điện tử | Thương mại truyền thống |
Bản chất | Chỉ cần có kết nối Internet để truy cập Website hoặc App Mobile. Khách hàng không bị giới hạn về địa điểm, thời gian hoặc vị trí địa lý cho việc lựa chọn, mua sắm hàng hóa | Người tiêu dùng sẽ bị giới hạn trong một khu vực bán hàng cũng như một khoảng thời gian cụ thể và khi có nhu cầu, họ sẽ đến đó để lựa chọn và mua sắm. |
Tiếp cận khách hàng | Dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng tại nhiều khu vực, quốc gia khác nhau. Thông qua Internet, khách hàng có thể truy cập vào cửa hàng online của doanh nghiệp, hoặc vào các sàn thương mại điện tử để mua sản phẩm của bạn. Doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được một khoản chi phí cho nhân lực, thuê cửa hàng mỗi khi muốn mở rộng kinh doanh. Do kinh doanh trên Internet nên việc mua bán, trao đổi giữa hai bên có thể diễn ra bất cứ thời gian nào. | Hạn chế hơn. Việc mở rộng và tiếp cận khách hàng ở nhiều khu vực, quốc gia khác nhau sẽ rất khó. Doanh nghiệp sẽ phải mở các cửa hàng, văn phòng vật lý tại đó và thuê thêm nhiều nhân viên để xử lý việc kinh doanh tại các chi nhánh khác nhau, dẫn đến việc tăng thêm chi phí kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bị hạn chế thời gian khi tiếp cận khách hàng bởi các chi nhánh cửa hàng, văn phòng chỉ mở trong một khung thời gian nhất định. |
Thanh toán | Đa dạng, thuận tiện nhưng cũng đầy rủi ro. Doanh nghiệp có thể thanh toán thông qua nhiều hình thức điện tử khác nhau như ví điện tử, mobile banking, cổng thanh toán,… Người dùng có thể lựa chọn thanh toán trước hoặc sau khi nhận hàng. Thanh toán online có thể gây ra nhiều rủi ro như thanh toán nhưng không nhận được hàng, hoặc các gian lận trong giao dịch thẻ và ví điện tử. | Ít hình thức thanh toán hơn. Việc thanh toán chủ yếu là thông qua tiền mặt, chuyển khoản hoặc thẻ ngân hàng. Người mua sẽ phải thanh toán ngay khi mua hàng. |
Sản phẩm | Sản phẩm được thể hiện thông qua hình ảnh, video. Người dùng không thể trực tiếp kiểm tra để xem chất liệu sản phẩm thế nào trước khi mua. | Khách hàng có thể nhìn trực tiếp, cầm nắm, cảm nhận sản phẩm trước khi mua. |
Chi phí hoạt động | Không cần quá nhiều chi phí cho các bên trung gian | Cần phải chịu chi phí cho người trung gian để bán sản phẩm. |
Thời gian hoạt động | Linh hoạt, có thể thực hiện 24/7. | Phụ thuộc vào thời gian của cửa hàng bán. |
Trên đây, chuyên mục Học Tập đã giúp bạn đọc so sánh thương mại điện tử với thương mại truyền thống. Theo dõi Gocdoday để biết thêm nhiều điều thú vị khác nhé.
Bài viết liên quan: