Trọn bộ kinh nghiệm khám phá Hội An từ sáng đến đêm không bỏ sót
Nếu mỗi thành phố có một bản sắc riêng để ghi dấu trong tim người lữ hành, thì Hội An là nơi lưu lại những gì bình yên nhất, thơ nhất và bền vững nhất. Không ồn ào, chẳng vội vã, phố cổ nép mình bên dòng sông Hoài chầm chậm trôi qua từng mùa , từ đèn lồng rực rỡ đêm rằm cho đến tiếng guốc mộc lốc cốc bên con hẻm nhỏ. Và nếu bạn đang tìm một nơi để “trốn khỏi thành thị”, giữa cái nắng rực rỡ của mùa hè, thì Hội An chính là chốn hẹn hò lý tưởng.
Giới thiệu về phố cổ Hội An
Du lịch phố cổ Hội An luôn là một trải nghiệm đáng nhớ đối với cả du khách trong nước lẫn quốc tế. Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Tây Nam, Hội An là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm về nhịp sống chậm rãi và yên bình. Không ồn ào, không vội vã, phố cổ quyến rũ du khách bởi vẻ trầm mặc và cổ kính từ những mái nhà ngói đỏ phủ rêu xanh, dãy tường vàng nhuốm màu thời gian, cho đến những con phố lung linh ánh đèn lồng khi màn đêm buông xuống. Chính sự dung dị và duyên dáng ấy đã khiến Hội An trở thành một trong những thành phố du lịch ấn tượng nhất châu Á.
Bên cạnh vẻ đẹp trầm mặc và cổ kính, Hội An còn là nơi lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc diễn ra quanh năm. Du khách có thể tình cờ bắt gặp lễ hội Thành hoàng làng, lễ tưởng niệm tổ nghề, hay các dịp kỷ niệm các bậc thánh nhân trong các tôn giáo dân gian. Không khí lễ hội càng thêm rộn ràng với những trò chơi dân gian đậm chất miền Trung như hò khoan, hò giã gạo, hay bài chòi loại hình nghệ thuật dân gian vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Không chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp giản dị của phố cổ, hành trình khám phá Hội An còn là chuyến đi qua dòng chảy văn hóa giao thoa giữa Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Từng là một thương cảng quốc tế sôi động vào khoảng thế kỷ 17-18 dưới triều Nguyễn, Hội An là điểm gặp gỡ của các nền văn minh phương Đông. Những dấu ấn ấy vẫn còn hiện diện rõ nét trong từng mái nhà, hội quán, đền chùa… tạo nên một Hội An đa văn hóa, đa sắc màu, vừa cổ kính, vừa đầy sức sống cho đến tận ngày nay.
Hội An mùa nào đẹp nhất?
Theo kinh nghiệm của nhiều du khách cho biết, thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Hội An là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Vì thời tiết vào khoảng thời gian này thường mát mẻ, ít mưa và có nắng nhẹ, nên rất thích hợp cho du khách tham quan và khám phá.

Trong khoảng tháng 5 đến tháng 8, Hội An thường nắng đẹp, mặc dù vào các ngày đầu mùa hè như tháng 5 và tháng 6 có thể có những ngày nắng gắt, tuy nhiên đây lại là thời điểm tuyệt vời để trải nghiệm lặn ngắm san hô tại Cù Lao Chàm. Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch Hội An vào các thời điểm khác, thì nên chủ động theo dõi dự báo thời tiết để đảm bảo có một chuyến đi thật trọn vẹn.
Cách di chuyển đến phố cổ Hội An
Để đến với phố cổ Hội An, bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức di chuyển tùy theo điểm xuất phát và sở thích: máy bay, tàu hỏa, xe khách, xe bus hoặc phương tiện cá nhân.
Máy bay: Đây là cách nhanh và tiện lợi nhất. Bạn có thể đặt vé bay đến sân bay quốc tế Đà Nẵng, nằm cách Hội An khoảng 30km. Từ Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, có nhiều chuyến bay mỗi ngày, với thời gian di chuyển chỉ khoảng 85 phút. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn nên săn vé từ 3-6 tháng trước chuyến đi.
Tàu hỏa: Một lựa chọn khác cho những ai thích ngắm cảnh dọc đường là đi tàu hỏa đến ga Đà Nẵng. Từ Hà Nội hoặc TP.HCM, thời gian di chuyển khoảng 14-17 tiếng, giá vé dao động từ 400.000-1.800.000 VNĐ, tùy vào loại ghế và toa tàu.
Xe khách: Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí hơn, có thể chọn xe giường nằm của các hãng uy tín. Tuy nhiên, nếu đi từ Hà Nội hoặc TP.HCM, thời gian di chuyển có thể lên đến 18-20 tiếng, giá vé khoảng 400.000-500.000 VNĐ/chiều.
Xe buýt: Sau khi đến Đà Nẵng, bạn có thể đi xe buýt tuyến Đà Nẵng-Hội An (số 01) với giá rất rẻ, phù hợp cho những chuyến đi tự túc hoặc khám phá theo kiểu backpacker.
Phương tiện cá nhân: Nếu bạn yêu thích sự chủ động, có thể lựa chọn đi xe máy hoặc ô tô từ Đà Nẵng đến Hội An. Quãng đường khoảng 30km, khá bằng phẳng và dễ đi, rất thích hợp cho các chuyến phượt ngắn ngày hoặc du lịch gia đình.
Các phương tiện đi lại ở phố cổ Hội An
Để khám phá các khu du lịch phố cổ Hội An, bạn có thể lựa chọn một trong các phương tiện sau:
- Xe máy: đây là phương tiện cá nhân được bạn ưu tiên lựa chọn. Với 120.000-150.000 VNĐ/ ngày, bạn đã có thể làm một tour du lịch phố cổ Hội An theo ý của mình, rẽ vào từng ngõ to nhỏ, dừng lại check-in và tham quan bất cứ khi nào bạn muốn.
- Taxi: nếu bạn rành đường và cũng không muốn tốn thời gian tìm đường thì taxi là lựa chọn lý tưởng nhất để di chuyển đến các điểm du lịch Hội An.
- Xích lô: dạo quanh phố cổ bằng xích lô là trải nghiệm du lịch thú vị và đáng nhớ bạn nên thử. Nếu muốn, hãy đón xích lô tại đường Trần Phú hoặc Phan Châu Chinh, giá khoảng 150.000 VNĐ/ xe/ giờ.
- Xe đạp: đây là lựa chọn lý tưởng để bạn dạo phố và khám phá vẻ đẹp bình yên tại phố cổ Hội An. Một số khách sạn có sẵn xe đạp miễn phí cho bạn lưu trú, hoặc nếu cần bạn có thể thuê xe với giá chỉ 40.000 VNĐ/ ngày.
Các địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến phố cổ Hội An
Khám phá phố cổ Hội An, đừng quên đánh dấu ngay những tọa độ nổi tiếng và thú vị dưới đây, mỗi nơi là một mảnh ghép làm nên vẻ đẹp cổ kính, sống động và đầy màu sắc của đô thị hơn 400 năm tuổi này!
Những ngôi nhà cổ
Du lịch Hội An sẽ không trọn vẹn nếu bạn bỏ qua cơ hội dừng chân tại những ngôi nhà cổ hơn trăm tuổi nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn nếp sống, kiến trúc và tinh thần của phố Hội xưa.
Nhà cổ Phùng Hưng: Từng thuộc sở hữu của một thương gia giàu có, đây được xem là ngôi nhà rộng và cao nhất Hội An xưa. Được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim và gỗ quý, công trình thể hiện rõ nét sự bề thế và sang trọng của giới thương gia thời bấy giờ.
Nhà cổ Tấn Ký: Là căn nhà nổi tiếng nhất tại phố cổ, với tuổi đời hơn 200 năm. Trải qua thời gian và cả trận lũ lịch sử năm 1964, nhà vẫn đứng vững. Không gian nơi đây là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Việt-Hoa-Nhật, thể hiện qua từng chi tiết chạm trổ, bố trí không gian sống và sinh hoạt truyền thống.
Nhà cổ Đức An: Mang đậm hồn phương Đông, điểm đặc biệt của nhà cổ này là sử dụng gỗ kiền kiền, loại gỗ đặc hữu của vùng Quảng Nam. Bên trong còn lưu giữ nhiều sách cổ, vật dụng xưa, tái hiện rõ nét đời sống của tầng lớp trí thức Hội An thế kỷ trước.
Nhà cổ Quân Thắng: Khi ghé thăm nhà cổ Hội An này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các câu đối, hoành phi được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo. Trong ngôi nhà cổ còn lưu giữ nhiều cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm, mặc dù đã trải qua hơn 150 tồn tại nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nguyên hiện trạng, không hề bị hỏng hóc.
Hội quán
Hội An không chỉ là phố cổ, mà còn là nơi giao thoa văn hóa của nhiều cộng đồng, đặc biệt là người Hoa. Những hội quán tại đây không chỉ mang dấu ấn kiến trúc Trung Hoa cổ kính mà còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và thương mại một thời.
Hội quán Quảng Đông: Tọa lạc ngay trung tâm phố cổ, hội quán được xây dựng bởi cộng đồng người Quảng Đông. Lối kiến trúc bằng gỗ và đá chạm khắc hình rồng, lân mang đậm tinh thần phương Đông trang nghiêm và thanh lịch.
Hội quán Triều Châu (Chùa Ông Bổn): Gây ấn tượng với những họa tiết sành sứ đắp nổi công phu, truyền tải nhiều tích truyện dân gian. Đây là một trong những hội quán mang vẻ đẹp đặc biệt nhất ở Hội An.
Hội quán Phúc Kiến: Được mệnh danh là hội quán rộng và đẹp nhất phố cổ, nơi đây thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà Chúa Sinh Thai và 12 bà Mụ. Không gian bên trong có vườn cây, hòn non bộ, tượng cá chép hóa rồng, rất thích hợp để chiêm bái và chụp ảnh check-in.

Nhà thờ Tộc Trần
Là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc nhà thờ tộc của người Việt xưa, nhà thờ Tộc Trần đã tồn tại hơn hai thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và trang nghiêm. Công trình này là sự hòa quyện hài hòa giữa kiến trúc Việt – Nhật – Hoa, tạo nên một không gian vừa mộc mạc, vừa tinh tế. Điểm đặc biệt của nhà thờ là khu vườn rộng đến 1.500m², bao quanh là tường cao kín đáo, với một cây khế cổ thụ hàng trăm năm tuổi – nơi luôn khiến du khách cảm nhận được sự tĩnh tại và thanh bình hiếm thấy.
Chùa Cầu
Được ví như “linh hồn của phố cổ”, Chùa Cầu là điểm đến không thể thiếu trong mọi hành trình khám phá Hội An. Cây cầu được dựng bằng gỗ sơn son thếp vàng, vắt mình duyên dáng qua một nhánh sông nhỏ của sông Thu Bồn. Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa Cầu vẫn uy nghi và thanh thoát, là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và các nước Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Đến nay, Chùa Cầu không chỉ là biểu tượng của phố cổ mà còn là background quen thuộc cho mọi bức ảnh check-in.

Chợ Hội An
Được Lonely Planet vinh danh là một trong 7 thiên đường ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á, chợ Hội An không chỉ là nơi mua sắm đặc sản mà còn là điểm đến đầy hương vị cho bất kỳ tín đồ ẩm thực nào. Tại đây, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các món ngon trứ danh như cao lầu, bánh xèo, bánh đập, chè bắp, nước mót… Giá cả rất phải chăng, người bán thân thiện, không khí nhộn nhịp suốt cả ngày.

Xưởng thủ công mỹ nghệ
Một điểm dừng chân đầy nghệ thuật và ý nghĩa khi đến Hội An là xưởng thủ công mỹ nghệ – nơi gìn giữ và tái hiện hơn 12 nghề truyền thống của Việt Nam như mộc, gốm, làm lồng đèn, chằm nón, thêu thùa, dệt chiếu, dệt lụa, sơn mài…Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quy trình làm thủ công mà còn có thể trải nghiệm tự tay tạo ra sản phẩm, mang về một món quà độc đáo đậm chất phố Hội.
Du lịch Hội An nên ăn gì?
Ẩm thực chính là một trong những “gia vị đặc biệt” khiến chuyến đi Hội An trở nên trọn vẹn. Không chỉ có kiến trúc cổ kính hay những con phố đèn lồng lãng mạn, Hội An còn khiến du khách mê mẩn bởi những món ăn đặc sản đậm đà bản sắc miền Trung.
Bánh xèo
Vàng ruộm, giòn rụm và thơm lừng, đó là ấn tượng đầu tiên khi bạn bắt gặp bánh xèo Hội An. Bánh được đổ mỏng, phần nhân đầy đặn với tôm tươi, thịt ba chỉ, giá đỗ… Ăn kèm rau sống và nước chấm pha chuẩn vị, món ăn này vừa giòn, vừa béo lại có hậu vị chua ngọt rất “bắt miệng”. Đã đến phố cổ mà chưa thử bánh xèo thì quả là thiếu sót.
Địa chỉ:
- Bánh xèo quán Giếng Bá Lễ số 45/51 Trần Hưng Đạo
- Bánh xèo Hải Đảo số 160 Lý Thái Tổ, Cẩm Châu, Hội An
Cơm gà
Không chỉ là món ăn quen thuộc, cơm gà Hội An còn mang một hương vị rất riêng. Cơm dẻo thơm nấu từ nước luộc gà, đi kèm miếng gà xé hoặc gà chặt vàng óng, thêm chút rau răm, hành tây, đu đủ chua và chén súp nóng đậm đà tất cả tạo nên một phần ăn vừa no nê, vừa tròn vị.
Địa chỉ:
- Cơm gà Bà Buội số 26 Phan Châu Trinh
- Cơm gà bà Hương – hẻm Sica
Bánh bèo
Bánh bèo là món ăn chơi nhưng lại khiến người ta nhớ mãi. Mỗi chén bánh nhỏ xinh được chan ngập nhân tôm thịt đậm đà, rắc thêm mỡ hành và một chút nước mắm thơm lừng. Ăn từng chén nóng hổi trong khay tre, bạn sẽ cảm nhận được sự khéo léo và công phu trong từng bước chế biến.
Địa chỉ:
- Bánh bèo Bà Bảy số 2 Nguyễn Thái Học, Hội An
- Bánh bèo số 17 đường Đinh Tiên Hoàng, Hội An
Tàu hủ
Giữa tiết trời oi nhẹ của miền Trung, một chén tàu hủ mịn mượt, chan nước đường thơm thoảng gừng sẽ là điểm dừng chân mát lành giữa hành trình khám phá. Tàu hủ Hội An thường được ăn kèm với nước cốt dừa, trân châu hoặc thạch, mang đến vị béo nhẹ và thanh mát. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này trong những gánh hàng rong nhỏ hoặc các quán chè truyền thống nằm dọc các con hẻm trong phố cổ vừa ngon, vừa rẻ, lại đậm chất Hội An.
Địa chỉ:
- Tào phớ Bình số 1 Nguyễn Huệ, TP. Hội An, Quảng Nam
- Chè Cô Nga số 36 Bạch Đằng, TP. Hội An, Quảng Nam
Mì Quảng
Nếu có một món ăn “đa năng” có thể dùng sáng, trưa hay tối đều hợp thì đó chính là mì Quảng Hội An. Sợi mì vàng óng, nước dùng xăm xắp, topping đủ vị từ tôm, thịt, gà cho đến trứng cút, bánh tráng và lạc rang… Mỗi tô mì như gói trọn tinh hoa ẩm thực Quảng Nam trong từng đũa gắp.
Địa chỉ:
- Mì Quảng ông Hai Hội An số 6A Trương Minh Lượng, Hội An
- Mì Quảng dì Hát số 4 Phan Châu Trinh, Hội An
Cao lầu
Cao lầu có thể xem là “linh hồn ẩm thực” của phố cổ. Không giống mì hay phở, sợi cao lầu dày, dai, được làm từ bột gạo ngâm tro và nước giếng Bá Lễ. Ăn kèm với thịt xá xíu, tóp mỡ giòn tan, rau sống tươi và nước sốt đậm vị món ăn này mang đến cảm giác vừa lạ, vừa thân quen. Cao lầu không chỉ ngon mà còn gói ghém cả hơi thở lịch sử Hội An từ thế kỷ 17.
Địa chỉ:
- Quán cao lầu Thanh số 26 Thái Phiên, Minh An, Hội An
- Quán cao lầu Liên số 21B Thái Phiên, Minh An, Hội An
- Quán cao lầu Hội An Bà Bé số 19 Trần Phú, Cẩm Châu, Hội An
Chợ đêm Hội An và những trải nghiệm không thể bỏ lỡ
Những chợ đêm trên các tuyến đường lớn
Chợ đêm Công Nữ Ngọc Hoa
Nếu bạn là tín đồ ẩm thực, đừng bỏ qua chợ đêm trên đường Công Nữ Ngọc Hoa – nơi quy tụ hàng chục món ăn vặt đậm chất Hội An. Từ mì Quảng, cao lầu, hến xúc bánh đa cho đến tào phớ, nước Mót… tất cả đều thơm ngon, dân dã và có giá rất “mềm”. Không gian ở đây không quá ồn ào, mà giữ được vẻ mộc mạc, dễ chịu – rất hợp cho một buổi tối lang thang cùng bạn bè hay người thân.
- Địa chỉ: Đường Công Nữ Ngọc Hoa, Hội An
Giờ hoạt động: 16:30 – 23:00
Chợ đêm Nguyễn Hoàng
Đối diện Chùa Cầu, chợ đêm Nguyễn Hoàng là điểm dạo chơi lý tưởng với hơn 50 gian hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ, túi vải, tò he, trang sức, đèn lồng… Không gian lung linh với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc tạo nên background sống ảo cực đẹp. Nơi đây không chỉ là điểm mua sắm mà còn là “bản sắc” đêm Hội An khiến ai đi qua cũng phải ngoái nhìn.
- Địa chỉ: Đường Nguyễn Hoàng, đối diện Chùa Cầu
- Giờ hoạt động: 17:00 – 23:00
Ngoài hai chợ chính, các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Trần Quý Cáp, Tiểu La, Bạch Đằng cũng biến thành phố chợ vào mỗi buổi tối. Tại đây, bạn có thể mua sắm các sản phẩm lưu niệm thủ công và thưởng thức những món ăn địa phương hấp dẫn trong không gian mở đầy ánh sáng và tiếng cười.
- Giờ hoạt động: 18:00 – 23:00
Những trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại chợ đêm Hội An
Check-in giữa rừng đèn lồng rực rỡ
Hàng trăm chiếc đèn lồng treo cao thấp, phản chiếu ánh sáng vàng cam ấm áp tạo nên một bức tranh đêm tuyệt đẹp. Đây là nơi bạn có thể ghi lại những khoảnh khắc “có một không hai” tại Hội An.
Dạo thuyền và thả hoa đăng trên sông Hoài
Với khoảng 120.000 VNĐ/người, bạn có thể lên thuyền ngắm phố cổ từ một góc rất khác: lặng lẽ, lãng mạn, đầy chất thơ. Bạn cũng được tặng 1–2 hoa đăng để tự tay thả xuống dòng sông – một nghi thức nhỏ để gửi gắm mong ước bình an.
Thưởng thức tinh hoa ẩm thực phố Hội
Chợ đêm là nơi lý tưởng để khám phá đặc sản Hội An: từ mì Quảng, cao lầu, chè bắp, bánh xèo, bánh mì Phượng cho đến tàu hủ nóng hổi. Mỗi món ăn đều mang trong mình hương vị riêng – giản dị mà tinh tế, như chính phố Hội.
Nghe hát bài chòi
Về đêm, tại các khu vực diễn ra trò chơi dân gian, bạn có thể lắng nghe bài chòi – một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những câu hát mộc mạc, vui tươi khiến không khí thêm đậm chất quê nhà.
Du lịch phố cổ Hội An mua gì làm quà?
Không chỉ níu chân du khách bằng cảnh đẹp và ẩm thực, Hội An còn là nơi bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món quà nhỏ xinh mang đậm dấu ấn văn hóa để mang về làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè. Nếu vẫn đang phân vân chưa biết mua gì, dưới đây là vài gợi ý đáng lưu tâm:
Tò he
Tò he Hội An không chỉ là món đồ chơi tuổi thơ mà còn là tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ từ đôi tay tài hoa của những người nghệ nhân. Những chú tò he được nặn tỉ mỉ, đầy màu sắc, mang hình dáng nhân vật cổ tích, con vật dễ thương hay biểu tượng văn hóa. Một món quà vừa dễ thương, gọn nhẹ, lại mang theo cả hơi thở truyền thống Việt.
Lụa tơ tằm
Với hơn 300 năm phát triển, lụa Hội An từng được xuất khẩu sang các nước Á – Âu và trở thành niềm tự hào của vùng đất này. Mềm mại, thoáng nhẹ và mang vẻ đẹp thanh lịch, lụa ở đây không chỉ là sản phẩm chất lượng mà còn gói trọn trong đó giá trị văn hóa – lịch sử của phố cổ. Một chiếc khăn lụa hay áo dài may sẵn chắc chắn sẽ là món quà đầy ý nghĩa.
Lồng đèn
Phố cổ Hội An về đêm không thể thiếu những chiếc đèn lồng rực rỡ, lung linh khắp các con hẻm, mái hiên. Ngày nay, đèn lồng Hội An đã được thiết kế thông minh: có thể gấp gọn, dễ dàng mang theo. Với đủ kiểu dáng, màu sắc và hoa văn tinh xảo, đèn lồng không chỉ là món quà lưu niệm đẹp mắt mà còn là một mảnh Hội An thu nhỏ mang về nhà.
Tạm kết:
Dù là lần đầu ghé thăm hay đã từng nhiều lần dạo bước dưới ánh đèn lồng, chợ đêm Hội An vẫn luôn có cách khiến bạn lưu luyến mãi không thôi. Mỗi gian hàng, mỗi món ăn, mỗi tiếng rao và nụ cười thân thiện của người dân nơi đây đều góp phần tạo nên một Hội An sống động, đầy bản sắc và chẳng lẫn vào đâu được.
Nếu có dịp quay lại, hãy thử dạo chợ với một người bạn mới, thử một món ăn chưa từng nếm, ngồi thuyền ngắm phố cổ từ giữa sông Hoài… Bạn sẽ thấy Hội An chưa từng cũ – mà chỉ ngày càng quyến rũ hơn trong những trải nghiệm rất riêng của chính mình.
Và nếu còn thêm chút thời gian, bạn có thể ghé thăm những điểm đến cũng đậm đà bản sắc miền Trung như Ngũ Hành Sơn kỳ vĩ hay đèo Hải Vân lộng gió – để hành trình của bạn không chỉ dừng lại ở những điều quen thuộc, mà còn mở ra những góc nhìn mới mẻ và đáng nhớ hơn bao giờ hết.
Đừng quên theo dõi Góc Đó Đây để bỏ túi thêm nhiều gợi ý thú vị cho chuyến đi sắp tới của bạn nhé!