Bệnh Lupus ban đỏ có chữa được không?
Nhiều người còn chủ quan khi cơ thể có các dấu hiệu lạ như rụng tóc, nổi mẩn đỏ,… Đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh Lupus ban đỏ – căn bệnh tự miễn mãn tính, phát sinh không rõ nguyên nhân, cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh Lupus ban đỏ có chữa được không? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
1. Bệnh Lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ là căn bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hiện đang tác động đến 5.000.000 người trên toàn thế giới. Lupus ban đỏ hệ thống (Tiếng Anh: Systemic lupus erythmatosus – SLE) là bệnh tự miễn dịch, trong đó các tế bào và tổ chức bị tổn thương bởi sự lắng đọng các tự kháng thể bệnh lý và phức hợp miễn dịch.
Hiểu một cách đơn giản thì trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch thay vì thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể thì quay sang tấn công chính các mô của nó, gây viêm lan rộng và tổn thương mô ở các cơ quan bị ảnh hưởng. Lupus ban đỏ hệ thống gây ảnh hưởng rộng đến da, khớp, tim mạch, phổi, thận, hệ tiêu hóa và não.
2. Bệnh Lupus ban đỏ có chữa khỏi được không?

Hiện nay, bệnh Lupus ban đỏ không thể chữa khỏi một cách hoàn toàn. Thay vào đó người ta có thể kiểm soát và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh bằng các phương pháp điều trị phù hợp.
Trong đợt cấp của bệnh, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, đồng thời vẫn cần có một chế độ vận động hợp lý nhằm tránh tình trạng teo cơ, cứng khớp. Để được cấp thuốc và điều trị đúng với tình trạng của mình, người bị lupus ban đỏ nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ tư vấn.
Đặc biệt thuốc đặc trị lupus ban đỏ có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, nếu đang có dự định mang thai thì cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiếp nhận điều trị.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh Lupus ban đỏ vẫn chưa thể làm rõ
Người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh lupus ban đỏ hệ thống nhưng nó được cho là có liên quan đến yếu tố môi trường, di truyền và nội tiết tố.
Hầu hết các trường hợp bị lupus ban đỏ hệ thống trong gia đình không có thành viên nào khác mắc bệnh. Ở một số người thì có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nếu trong gia đình có người bị lupus thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn một chút.
Lupus ban đỏ hệ thống không phải là một bệnh phổ biến, nhưng bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em đều có thể mắc bệnh. Bệnh xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn rõ rệt so với nam giới với tỷ lệ 9:1, và thường gặp ở người từ 15-44 tuổi.
4. Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ
Dưới đây là một số biểu hiện của người mắc bệnh lupus ban đỏ:
– Bệnh nhân có biểu hiện gầy sút, mệt mỏi, rụng tóc, sốt nhẹ, viêm loét miệng, đau mỏi cơ, đau các khớp nhỏ, rối loạn kinh nguyệt (ở bệnh nhân nữ). Các triệu chứng không đặc hiệu này gặp ở hơn 90% bệnh nhân đến khám.
– Có khoảng 3/4 bệnh nhân xuất hiện các ban đỏ bất thường trên da. Thường gặp nhất là ban đỏ hình cánh bướm trên mặt, ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi. Đây chính là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
– Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể xuất hiện các tổn thương ở nội tạng, thần kinh và mạch máu như là: viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, rối loạn tâm thần, co giật, xuất huyết, thiếu máu.
– Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện thành từng đợt, xen kẽ giữa các đợt là thời gian lui bệnh.
Trong thời gian đầu, các triệu chứng bệnh thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh khác. Do đó, có thể phải mất tới vài năm kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh được.
5. Lupus ban đỏ có gây tử vong không?
Bệnh được kiểm soát nếu được điều trị đúng cách nhưng ở chiều ngược lại, nếu không được điều trị kịp thời, điều trị không hiệu quả hay không tuân theo điều trị thì có thể tiến triển nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng và thậm chí là tử vong.
=> Khi phát hiện bệnh lupus ban đỏ cần thăm khám kịp thời để có thuốc điều trị kịp thời tránh các trường hợp trở nặng gây biến chứng.
Trên đây chuyên mục Tổng Hợp đã gửi giúp bạn đọc trả lời câu hỏi “Bệnh Lupus ban đỏ có chữa được không?”. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể tấn công nhiều cơ quan trên cơ thể người, nếu không được chữa trị kịp thời thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Bài viết cùng chủ đề