Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
Dưới đây là Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. 3/2/2023 là ngày kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản – tổ chức đã lãnh đạo thành công nhân dân qua nhiều cuộc kháng chiến, từ đó giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nội dung bài viết
1. Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
Tháng 9 năm 1960, đại hội 3 của Đảng đã quyết định lấy ngày 3/2/1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.
=> Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam là 3/2.
2. Bối cảnh ra đời Đảng Cộng Sản Việt Nam
Bối cảnh quốc tế
Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Các nước tư bản đế quốc thực hiện chính sách: bên trong tăng cường bóc lột nhân dân lao động, bên ngoài gia tăng các hoạt động xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc làm đời sống nhân dân lao động trên thế giới trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.
Bối cảnh trong nước ra đời Đảng Cộng Sản Việt Nam
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi.
Về chính trị, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội, đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, đó là một chính sách chuyên chế điển hình, chúng đàn áp đẫm máu các phong trào và hành động yêu nước của người Việt Nam, mọi quyền tự do bị cấm. Chúng chia rẽ ba nước Đông Dương, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng.
Về kinh tế, thực dân Pháp cấu kết với giai cấp địa chủ để thực hiện chính sách bóc lột tàn bạo, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; ra sức vơ vét tài nguyên, cùng nhiều hình thức thuế khóa nặng nề, vô lý; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.
Về văn hóa, thực dân Pháp tiến hành chính sách ngu dân, chúng bưng bít, ngăn cản ảnh hưởng của văn hóa tiến bộ trên thế giới, khuyến khích văn hóa độc hại, xuyên tạc lịch sử, giá trị văn hóa Việt Nam và dung túng, duy trì các hủ tục lạc hậu.
– Sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra ngày càng gay gắt
Phần lớn giai cấp địa chủ cấu kết với thực dân Pháp ra sức bóc lột nông dân; một bộ phận địa chủ có lòng yêu nước, đã tham gia đấu tranh chống Pháp dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam đều mang thân phận người dân mất nước và đều bị thực dân áp bức, bóc lột, chèn ép nên đều căm phẫn thực dân Pháp. Do đó, mẫu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc này, không chỉ là mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, mà đã nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.
– Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của quần chúng chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng về đường lối cách mạng
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh của nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Tuy nhiên do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến như phong trào Cần Vương đã chấm dứt với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1896); phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài 30 năm cũng không giành được thắng lợi. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại,… Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
3. Tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
3.1 Nội dung tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
– Truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; những thắng lợi vĩ đại và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định vai trò, uy tín, bản lĩnh, trí tuệ và năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong suốt chặng đường cách mạng 93 năm qua. Đồng thời, khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta; nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
– Những kết quả và bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 37-QD/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022; Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại của địa phương, của tỉnh[1]; các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh năm 2022 của cả nước và của tỉnh; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, phối hợp của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân năm 2022 của cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
– Tuyên truyền về những giá trị văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước của dân tộc Việt Nam và Nhân dân Bình Thuận. Các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; công tác quản lý thị trường, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
– Tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XIII và Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách để tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết, không tặng quà Tết cho cấp trên, không sử dụng phương tiện, tài sản công vào hoạt động cá nhân trong dịp Tết, lễ hội; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức… Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự gương mẫu trong việc thực hiện vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
– Tuyên truyền về Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề: Bình Thuận – Hội tụ xanh theo Kế hoạch số 3437/KH-UBND của UBND tỉnh; qua đó, giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, văn hóa lễ hội, cảnh quan thiên nhiên và sản phẩm du lịch đặc sắc; các tuyến, điểm du lịch và con người Bình Thuận… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
– Thông tin kịp thời việc các cấp, các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; phản ánh không khí, hoạt động mừng Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Biểu dương tinh thần thi đua yêu nước, thi đua sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tinh thần phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân của các địa phương, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đồng thời, phê phán những hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật, tệ nạn cờ bạc, mê tín, dị đoan, lãng phí trong việc vui Xuân, đón Tết, lễ hội…
3.2 Hình thức tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
– Tổ chức tuyên truyền, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang, nhóm mạng xã hội và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chính trị – xã hội của các đoàn thể Nhân dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về truyền thống lịch sử, văn hóa, về xây dựng Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
– Xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền; tổ chức xuất bản và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền.
– Tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan, như: Bảng điện tử, panô, áp phích, băng rôn,… ở các khu trung tâm dân cư, công sở, tụ điểm văn hóa cộng đồng; hướng dẫn Nhân dân treo cờ Tổ quốc mừng Đảng – mừng Xuân Quý Mão năm 2023.
– Các hoạt động chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng, mừng xuân Quý Mão: hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình chính sách, người có công với nước, các bậc lão thành cách mạng, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng làm nhiệm vụ thường trực, sẳn sàng chiến đấu trong dịp Tết, nhất là ở khu vực biên giới biển, hải đảo, vùng khó khăn, địa hình phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; người lao động, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ngừng việc, nghĩ việc, mất việc làm.
– Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên đây, Gocdoday vừi gửi đến bạn đọc Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam . Theo dõi chúng tôi để biết thêm các thông tin hữu ích khác nhé!
Bài viết liên quan: