Cách tổ chức lớp học phân hóa. Làm thế nào để tổ chức lớp học phân hóa?
Tổ chức lớp học phân hóa giúp giáo viên thay đổi độ phức tạp, khó khăn, hình thức của nhiệm vụ sao cho phù hợp với năng lực của các nhóm đối tượng học sinh. Dù có biến đổi thế nào thì những nhiệm vụ này đều được thiết kế để giải quyết các mục tiêu học tập giống nhau. Cùng Gocdoday khám phá một số cách tổ chức lớp học phân hóa trong bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
1. Lớp học phân hóa là gì?
Lớp học phân hóa là lớp học có tính đến sự khác biệt của người học hoặc một nhóm người học. Dạy học phân hóa có đặc điểm là dạy làm sao cho vừa sức với đối tượng. Học sinh ở mức độ khá, giỏi thì dạy sao cho các em hứng thú, đam mê với việc học; đối với học sinh trung bình thì tạo động lực để các em vươn lên; với học sinh yếu, kém thì phải bù đắp được chỗ hổng về kiến thức để lĩnh hội được kiến thức cơ bản. Nhìn vào điều này chúng ta thấy lớp học phân hóa phải có tính xuyên suốt và dạy học phân hóa được xem là phương pháp dạy học có thể chi phối các phương pháp khác.
Dạy học phân hoá là một quan điểm dạy học tập trung vào việc thiết kế giảng dạy xuất phát từ tình hình thực tế của học sinh, dựa vào đặc điểm cá nhân, tâm lí, sinh lí, nhu cầu, động cơ, hứng thú, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh… của các em mà tìm cách dạy cho phù hợp, giúp cho mọi học sinh đều có cơ hội phát triển toàn diện năng lực tiềm tàng của bản thân.
2. Một số cách tổ chức lớp học phân hóa
Dưới đây là một số cách tổ chức lớp học phân hóa phổ biến:
Bảng lựa chọn: Bảng lựa chọn là một kỹ thuật phổ biến được sử dụng để cung cấp cho học sinh những lựa chọn trong quá trình học tập. Nó còn được gọi là bài tập Tic-Tac-Toe (cờ ca rô) vì thiết kế đặc điểm thiết kế của nó.
Bảng lựa chọn có thể được sử dụng để giúp học sinh học tập và thể hiện mức độ làm chủ kiến thức của mình. Khi thiết kế bảng lựa chọn, phải đảm bảo các lựa chọn đều hướng đến việc giải quyết cùng một mục tiêu học tập và có thể dựa trên đam mệ (ví dụ: thể thao, âm nhạc, nghệ thuật) hoặc sở thích học tập (ví dụ: phong cách học tập hoặc đa trí tuệ). Mỗi lựa chọn được kiểm tra đánh giá theo những tiêu chí đánh giá giống nhau.
Khối lập phương: Học sinh tung một khối lập phương và thực hiện các hoạt động xuất hiện trên mặt của khối lập phương. Chúng ta có thể phân hoá một khối lập phương theo bất kỳ tiêu chí nào như: năng lực, phong cách hay sở thích học tập của học sinh.
Để khối lập phương phân hoá hiệu quả, điều quan trọng là cho học sinh có cơ hội được lựa chọn ví dụ như có hai hoặc nhiều lựa chọn trên mỗi mặt của hình lập phương, hay được quyền nhận sự tư vấn của nhóm/ bạn trước khi trả lời.
Các khối lập phương có thể được thiết kế cho các hoạt động cụ thể như quan điểm về một cuốn tiểu thuyết hoặc các khía cạnh khác nhau của một sự kiện lịch sử. Các khối lập phương khác nhau nên trao cho các nhóm khác nhau với các hoạt động khác nhau sao cho phù hợp với sở thích học tập của học sinh. Chúng ta có thể viết trực tiếp các yêu cầu lên khối lập phương hoặc đơn giản là viết các số lên mặt của khối lập phương và kèm theo bộ câu hỏi tương ứng với con số trên mặt hình lập phương đó (giống trò chơi xúc xắc)
Trạm học tập: Các trạm cung cấp các hoạt động khác nhau ở nhiều vị trí trong lớp học hoặc trường học. Các trạm học tập không có tác dụng phân hoá nếu tất cả học sinh đều đến tất cả các trạm và làm những nhiệm vụ giống nhau. Để phân hoá hiệu quả, các trạm học tập chỉ dành cho những học sinh cần hay quan tâm đến công việc tại trạm đó, hoặc công việc tại các trạm có thể được sắp xếp theo sở thích hay hứng thú học tập của học sinh.
Hợp đồng học tập: Giáo viên và học sinh thỏa thuận bằng văn bản về một nhiệm vụ phải hoàn thành. Thỏa thuận bao gồm các mục tiêu học tập và tiêu chí đánh giá, quy định về sản phẩm học tập, cách đánh giá và chi tiết tổ chức như thời hạn và điểm kiểm tra.
RAFT: là từ viết tắt của Role – Đối tượng đóng vai, Audience – Đối tượng hướng đến, Form- Hình thức thể hiện, Topic – chủ đề/ thông điệp. Các yếu tố này được thể hiện trên một bảng. Học sinh chọn một nhân vật để đóng vai hoặc giáo viên giúp học sinh chọn. Cho học sinh đọc qua các cột để tìm hiểu vai trò mà chúng sẽ đảm nhận, đối tượng chúng sẽ giải quyết, hình thức chúng sẽ thể hiện và thông điệp. Ví dụ, một học sinh có thể đảm nhận vai trò của một nhân vật lịch sử nhắm đến đối tượng của một thời đại cụ thể, hình thức là một bài hịch, thông điệp là kêu gọi đấu tranh. Học sinh có thể phát triển một bài phát biểu hoặc một bài luận về một chủ đề liên quan đến đối tượng lịch sử đó.
RAFT giúp tạo ra các nhiệm vụ học tập dựa trên sở thích, hứng thú của học sinh (đặc biệt là trong các cột của đóng vai và đối tượng hướng đến), và các mức độ sẵn sàng khác nhau bằng cách thay đổi độ khó của một số hàng hoặc tạo các bài tập RAFT riêng biệt cho các nhóm nhọc sinh khác nhau.
Phân tầng: Khi chúng ta muốn phân cấp một nhiệm vụ, chúng ta sẽ tạo ra các phiên bản khác nhau của nhiệm vụ để phù hợp với năng lực khác nhau của học sinh. Để tạo một bài tập phân cấp, hãy chọn hoặc tạo một hoạt động dành cho cấp cao nhất trước, sau đó tạo các phiên bản bổ sung của hoạt động đó để phù hợp dần với các cấp độ thấp hơn. Hãy nhớ rằng tất cả các nhiệm vụ cần đảm bảo tiêu chí: hấp dẫn, thú vị và thử thách đối với tất cả người học. Bài tập theo phân cấp thường được gọi là các nhiệm vụ song song – đặc biệt là trong toán học.
3. Tổ chức lớp học phân hóa bậc Tiểu học
Ở tiểu học, dạy học phân hóa (DHPH) thường được thể hiện ở việc lấy chuẩn kiến thức, kĩ năng làm nền cơ bản. Ngoài kế hoạch dạy học, thông thường phân hóa để có những kế hoạch dạy học phù hợp, đưa HS yếu kém đạt chuẩn và giúp các đối tượng đã đạt chuẩn hoặc khá, giỏi phát triển ở mức cao hơn.
Quy trình thực hiện DHPH ở tiểu học thường diễn ra như sau:
- Đánh giá, phân loại trình độ, năng lực học tập của HS.
- Xây dựng kế hoạch, nội dung và lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học cho phù hợp với từng nhóm đối tượng hoặc từng đối tượng đặc biệt.
- Tổ chức triển khai thực hiện. Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh, hoàn thiện.
Ví dụ về dạy học phân hóa:
Giáo viên có thể gợi ý cho nhóm B như sau: Em đọc kĩ các từ đó và gạch dưới từ chỉ đức tính tốt để đưa vào nhóm đó cho hợp lý?
Giáo viên có thể gợi ý cho nhóm C như sau: Em đọc kĩ các từ đó đồng thời dùng từ điển tra nghĩa của mỗi từ. Khi đã hiểu về nghĩa của chúng thì em sẽ đưa từng từ chỉ đức tính tốt vào nhóm A, từ chỉ đức tính xấu vào nhóm B cho thích hợp ?
Yêu cầu những học sinh trong nhóm C, nếu chưa hiểu thì tìm kiếm sự hỗ trợ của GV hoặc các bạn trong nhóm A bằng cách giơ thẻ cứu trợ.
Đối với những bài có khối lượng kiến thức nhiều, một số học sinh làm không kịp thời gian trong tiết học thì GV có thể linh hoạt chuyển nội dung sang tiết tiếp theo.
4. Những lưu ý khi tổ chức lớp học phân hóa
Khi thực hiện các biện pháp dạy học phân hóa giáo viên cần lưu ý:
- Xác định đúng đối tượng, để phân loại sát thực tế.
- Linh hoạt, sáng tạo trong các hình thức chia nhóm.
- Bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng, trình độ học sinh của lớp mình để điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học phù hợp cho từng đối tượng học sinh.
- Nắm vững các phương pháp dạy học, sử dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức dạy học phân hóa đối tượng HS. Nắm vững đặc điểm tâm sinh lý, nhận thức của từng đối tượng học sinh. Học sinh làm bài tập theo các mức độ
Ở mỗi tiết dạy giáo viên nghiên cứu nắm vững mục tiêu, nội dung và yêu cầu của từng nhiệm vụ trong bài học để lựa chọn các phương pháp dạy học cũng như các hình thức tổ chức, vận dụng vào từng tình huống cụ thể cho hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu của bài học. Giáo viên thực hiện cẩn thận và xem xét nhiều khía cạnh khác nhau của các bài tập trong tài liệu hướng dẫn học tập và lựa chọn nội dung bài tập nâng cao cho HS làm thêm.
Khi chuẩn bị bài phải dự kiến các câu hỏi, các tình huống và các yêu cầu ở từng mức độ khác nhau cho học sinh trong từng phần. Để áp dụng việc dạy phân hoá đòi hỏi mỗi GV phải nghiên cứu kĩ về kiến thức, kĩ năng của mỗi bài học để điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học phù hợp với từng đối tượng HS trong lớp, trong từng bài học cụ thể.
Trên đây, chuyên mục Tổng Hợp vừa gửi đến bạn đọc một số cách để tổ chức lớp học phân hóa hiệu quả. Việc phân hóa này không chỉ áp dụng với giáo viên mà các bạn học sinh trong cùng một nhóm cũng có thể nắm rõ năng lực của bạn để đưa ra các yêu cầu phù hợp.
Bài viết liên quan: